Những quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh về nâng cao hiệu quả quản lý phát triển xã hội
Quan điểm của Hồ Chí Minh về phát triển xã hội là một bộ phận cấu thành tư tưởng Hồ Chí Minh; chứa đựng những giá trị tiến bộ, nhân văn và phát triển; tiếp tục định hướng, soi đường cho sự nghiệp xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, thúc đẩy sự phát triển toàn diện, hài hòa trong giai đoạn hiện nay.
“Xã hội” theo nghĩa hẹp là một phương diện của cấu trúc “xã hội tổng thể” (Kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội); là tập hợp các giai cấp, tầng lớp, nhóm xã hội, gia đình và cá nhân con người. Quan điểm của Hồ Chí Minh về phát triển xã hội là một bộ phận của tư tưởng về giải phóng dân tộc, giai cấp, xã hội, con người; phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam và mang giá trị vượt thời gian; có ý nghĩa định hướng cho thúc đẩy, bảo vệ quyền con người và xây dựng xã hội phát triển.
1. Khi chưa giành được độc lập dân tộc, mẫu số chung đặt ra đối với mọi giai cấp, tầng lớp và thành viên trong xã hội là đấu tranh giành cho được độc lập dân tộc, quyền của mỗi con người nằm chung trong cuộc đấu tranh cho quyền của dân tộc. Giải phóng xã hội ở đây chính là giải phóng dân tộc với mục tiêu, nhiệm vụ trước mắt là đánh đuổi đế quốc thực dân, giành chính quyền về tay nhân dân. Bởi lẽ, không giành được độc lập dân tộc thì không thể nói đến quyền phát triển của mỗi giai tầng xã hội hay cá nhân con người.
Hồ Chí Minh phê phán gay gắt tính phản phát triển của xã hội thuộc địa trong nhiều tác phẩm, bài báo vào thập niên 20 của thế kỷ trước, như sưu cao, thuế nặng, đầu độc nhân dân bằng rượu cồn, thuốc phiện, áp dụng nền giáo dục ngu dân và duy trì những hủ tục để trói buộc nhân dân... Vì thế, không thể có sự phát triển xã hội nếu không bắt đầu bằng sự nghiệp giải phóng dân tộc. Phải đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết, trước hết, còn nhiệm vụ giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người phải phục tùng nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Tuy vậy, trong khuôn khổ chế độ thuộc địa với những điều kiện giới hạn nhất định, Hồ Chí Minh luôn tìm các giải pháp để cải thiện đời sống của người lao động. Chủ trương thành lập các đoàn thể xã hội của người lao động (như: Công hội đỏ, Nông Hội đỏ, hội ái hữu,...) không chỉ nhằm tập hợp lực lượng đấu tranh giải phóng dân tộc, mà trước hết thông qua những tổ chức này để đưa quần chúng ra đấu tranh đòi cải thiện đời sống hằng ngày (như chống sưu cao, thuế nặng, đòi giảm tô, giảm tức,... cho nông dân; đòi ngày làm 8 giờ, chống đánh đập, ốm đau phải được nghỉ dưỡng,... của công nhân), qua đó mà từng bước trưởng thành về chính trị. Như vậy, sự phát triển xã hội trong điều kiện chế độ thuộc địa gắn liền với sự trưởng thành của bản thân quần chúng lao động, không tách rời với cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ hằng ngày, nằm chung trong phong trào dân tộc rộng lớn.
Với thợ thuyền, kết quả đấu tranh trước giới chủ đã đưa đến những cải thiện nhất định về đời sống, dù rất hạn chế, trước hết là tăng lương, giảm giờ làm... Với nông dân, dù tạm gác khẩu hiệu “người cày có ruộng” để tập trung cho mục tiêu giải phóng dân tộc, nhưng Hồ Chí Minh vẫn chủ trương tịch thu ruộng đất của đế quốc và Việt gian ra mặt phản cách mạng để chia cho dân cày nghèo, tích cực vận động địa chủ giảm tô, giảm tức, chia lại ruộng công. Thông qua các cuộc vận động cách mạng như truyền bá quốc ngữ, cứu tế xã hội vào dịp mất mùa, thiên tai,... để phát huy tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ, giúp đỡ nhau, giảm thiểu phần nào khổ đau, bất hạnh cho những người chịu nhiều áp bức, bất công và thiệt thòi trong xã hội thuộc địa.
2. Khi đất nước đã giành được độc lập, phát triển xã hội, phát triển con người là nhiệm vụ trung tâm và đặt ra thường trực đối với Đảng, Nhà nước. Nó là thước đo bản chất tốt đẹp của chế độ mới, khẳng định tính chính đáng của người cầm quyền trước nhân dân. Không phải ngẫu nhiên chỉ một ngày sau khi Tuyên bố trước quốc dân về nền độc lập dân tộc, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ lâm thời (3-9-1945), 6 nhiệm vụ cấp bách được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên đều là những vấn đề xã hội nóng bỏng liên quan đến quyền lợi thiết thân của con người: chống “giặc đói”, “giặc dốt”, xóa bỏ các khoản thuế khóa vô lý, xóa bỏ chế độ đầu độc con người bằng thuốc phiện và rượu cồn, tổ chức tổng tuyển cử theo lối phổ thông đầu phiếu, thực hành tự do tôn giáo - tín ngưỡng.
Hồ Chí Minh mong muốn mọi người Việt Nam đủ tuổi trưởng thành đều có việc làm, có thu nhập ổn định, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống. Lao động, việc làm không chỉ giúp người dân bảo đảm thu nhập, thỏa mãn đời sống, mà còn làm cho con người từng bước hoàn thiện nhân cách làm người, biết quý trọng của cải vật chất, sống có trách nhiệm với xã hội, với thành quả lao động của chính mình, khẳng định tính ưu việt của chế độ mới. Vì thế, ngày 2-3-1947, Người đã ký Sắc lệnh số 29 về quyền của người làm công (có giá trị như Luật Lao động hiện nay), không chỉ có ý nghĩa tình thế lúc bấy giờ mà còn thể hiện triết lý phát triển xã hội.
Chống “giặc đói”, “giặc dốt” do Hồ Chí Minh khởi xướng vào năm 1945 lúc mà các nước phương Tây đang cuốn vào những cuộc tranh giành các nguồn tài nguyên và thị trường, chưa nhận thức được hệ lụy của đói nghèo và thất học đối với sự phát triển của mỗi quốc gia - dân tộc và toàn nhân loại. Hoạt động bảo vệ môi trường, “Tết trồng cây” do Người khởi xướng khi nhân loại vẫn duy trì phương thức sinh tồn và phát triển bằng cách bòn rút các nguồn tài nguyên thiên nhiên, chưa ý thức được sự “trả thù” của tự nhiên khi khai thác không đi kèm với bảo vệ, tái tạo các nguồn lợi tự nhiên. Hồ Chí Minh có quan niệm rất hiện đại, vượt thời gian, kể cả Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khi xem chăm sóc sức khỏe của nhân dân là nhiệm vụ chiến lược, trong đó ngành y tế có vai trò nòng cốt. Trong chăm sóc sức khỏe, Người lưu ý cả sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần.
Những tư tưởng ấy phải nhiều thập niên sau mới được nhận thức ở bản chất tầng sâu và trở thành chương trình hành động trên phạm vi toàn cầu gắn với Mục tiêu Thiên niên kỷ do Liên hợp quốc khởi xướng.
3. Xã hội chỉ có điều kiện phát triển toàn diện trong chủ nghĩa xã hội và các tiêu chí phát triển xã hội có ý nghĩa định hình giá trị xã hội xã hội chủ nghĩa trong từng nấc thang phát triển đất nước. Theo Hồ Chí Minh, các chế độ bóc lột không thể đưa lại phát triển xã hội thật sự, không thể giải phóng triệt để các tiềm năng, sức mạnh của con người. Ngay từ khi chuẩn bị thành lập Đảng, Người đã phân tích sâu sắc rằng, các cuộc cách mạng dân chủ tư sản chỉ nhằm thay thế một chế độ bóc lột này bằng chế độ bóc lột khác hoàn bị hơn. Với niềm tin mãnh liệt vào bản chất tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh cho rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội mới giải phóng triệt để con người khỏi mọi áp bức, bất công, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc; tạo điều kiện cho con người phát triển toàn diện cả với tư cách cá nhân con người và cộng đồng xã hội. Chủ nghĩa xã hội trong quan niệm của Hồ Chí Minh là chủ nghĩa xã hội năng động, phát triển, hướng đến nhu cầu chính đáng của nhân dân, khác với mô hình chủ nghĩa xã hội giáo điều, xơ cứng, xa lạ với nhu cầu thiết thực của đời sống nhân dân. Người lấy tiêu chí quan trọng bậc nhất của chủ nghĩa xã hội là phát triển con người, phát triển xã hội, thông qua cách diễn đạt bình dị, gần gũi, phản ánh các nhu cầu thiết yếu về chất lượng sống mà bất cứ người dân nào cũng cảm nhận được. Đó là một chế độ xã hội mà “ai cũng no ấm, sung sướng, tự do; ai cũng thông thái và có đạo đức. Đó là một xã hội tốt đẹp vẻ vang”(1); đó là xã hội “dân giàu nước mạnh”, “nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân”. Người cho rằng, “Không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thỏa mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa”(2). Vì thế, phát triển xã hội chỉ đạt được các giá trị đích thực trong chủ nghĩa xã hội. Xây dựng chủ nghĩa xã hội không có mục đích nào khác là đem lại sự phát triển xã hội toàn diện, lấy con người làm trung tâm của sự phát triển.
4. Phát triển xã hội trên cơ sở nền kinh tế vững mạnh, gắn với cơ cấu kinh tế nhất định là một cơ cấu xã hội tương ứng. Đây là điểm rất quan trọng, có ý nghĩa định hướng phát triển xã hội gắn với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Do hoàn cảnh chiến tranh, dù phải dành nhiều tâm lực, trí lực lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, nhưng Hồ Chí Minh vẫn luôn chú trọng xây dựng nền kinh tế quốc gia vững mạnh vừa bảo đảm sức mạnh của hậu phương cho tiền tuyến, vừa nâng cao đời sống của nhân dân. Nhận thức rõ đặc điểm “to nhất” của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một nước nông nghiệp, nghèo nàn, lạc hậu, kinh tế kém phát triển, Hồ Chí Minh chủ trương sớm tiến hành công nghiệp hóa trên miền Bắc nhằm phát triển lực lượng sản xuất, tạo ra của cải vật chất ngày càng dồi dào, cải thiện tốt hơn đời sống nhân dân. Người gọi cơ cấu kinh tế đó là “hai chân” công nghiệp và nông nghiệp.
Biến đổi cơ cấu kinh tế tất yếu dẫn tới biến đổi cơ cấu xã hội. Ít nhất cho đến trước khi chủ trương cải tạo xã hội chủ nghĩa (năm 1958), Hồ Chí Minh thường xuyên nhấn mạnh yêu cầu duy trì và khuyến khích phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, thực hiện “công tư lưỡng lợi”. Người thấy rõ vai trò của các giai tầng xã hội đối với công cuộc phát triển kinh tế và phát triển xã hội. Vì vậy, phải có chính sách giai cấp đúng đắn, nhất là với các giai tầng hữu sản vẫn có vai trò nhất định trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, phát triển xã hội. Trong tác phẩm Thường thức chính trị, Hồ Chí Minh cho rằng, kinh tế tư bản tư nhân “họ bóc lột công nhân, nhưng đồng thời cũng góp phần xây dựng kinh tế”. Người đưa ra quan điểm công tư lưỡng lợi, chủ thợ đều có lợi. Điều này không chỉ phản ánh quan hệ chủ - thợ, mà bao hàm cả quan hệ hợp tác giữa người quản lý và người lao động. Rõ ràng, trong điều kiện chính quyền đã về tay nhân dân, do Đảng lãnh đạo, thì quan hệ giai cấp không giống như trong chế độ cũ. Người nhấn mạnh: “Nhà tư bản thì không khỏi bóc lột. Nhưng Chính phủ ngăn cấm họ bóc lột công nhân quá tay. Chính phủ phải bảo vệ lợi quyền của công nhân. Đồng thời, vì lợi ích lâu dài, anh chị em thợ cũng để cho chủ được số lợi hợp lý, không yêu cầu quá mức”(3). Hồ Chí Minh khuyến khích tầng lớp công - thương gia làm giàu chính đáng, hợp pháp, tích cực đóng góp cho cách mạng. Đặt trong bối cảnh tư tưởng chủ quan nóng vội thủ tiêu các thành phần kinh tế phi công hữu còn ngự trị ở các nước theo mô hình chủ nghĩa xã hội Xô-viết thì mới thấy tư tưởng vượt trước, tôn trọng quy luật khách quan của Hồ Chí Minh.
5. Phát triển xã hội theo nguyên lý không loại trừ, bảo đảm quyền cùng phát triển của mọi thành viên trong xã hội. Hồ Chí Minh quan niệm bất cứ người dân Việt Nam nào có đóng góp cho tiến bộ và phát triển của quốc gia - dân tộc gắn với điều kiện lịch sử - cụ thể đều là thành viên của quảng đại “nhân dân” rộng lớn, được Đảng và Nhà nước bảo đảm quyền phát triển. Đó là các chính sách xây dựng giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức,... cùng các tầng lớp xã hội khác. Người rất coi trọng chăm lo phát triển giai cấp công nhân vững mạnh xứng đáng với vai trò giai cấp lãnh đạo cách mạng; có đủ năng lực làm chủ nhà máy, công xưởng, hầm mỏ; tạo nhiều của cải vật chất cho xã hội; thật sự tiên phong về phương thức sản xuất, lối sống, nếp sống, kỷ luật lao động gắn với xây dựng tổ chức Công đoàn. Cùng với phát triển giai cấp công nhân, Hồ Chí Minh dành nhiều tình cảm và quan tâm đặc biệt với nông dân thông qua các chính sách đưa lại quyền làm chủ ruộng đất, khuyến khích xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác để nông dân hợp lực khắc phục khó khăn, phát huy sức mạnh tập thể, không ngừng mở mang phúc lợi xã hội nông thôn, xây dựng xóm làng văn minh, đẩy lùi các hủ tục. Hiểu rõ những đóng góp, hy sinh, thiệt thòi của nông dân trong kháng chiến, Người luôn nhắc nhở chính quyền các cấp không chỉ biết huy động sức dân, mà còn phải ra sức bồi dưỡng sức dân và di huấn sau khi nước nhà thống nhất cần miễn thuế cho nông dân. Hồ Chí Minh xem trí thức là vốn quý của dân tộc trong sự nghiệp cách mạng, phải trọng dụng nhân tài, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho trí thức cống hiến, phấn đấu. Hiểu rõ đặc điểm của trí thức, để xây dựng đội ngũ này ngày càng lớn mạnh, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, Người luôn thể hiện tình cảm chân thành, trân trọng lao động trí óc, ra sức tập hợp, đoàn kết trí thức tham gia cách mạng, cùng hợp thành liên minh giữa công nhân, nông dân với trí thức thành một khối vững chắc, tạo thành nòng cốt của Mặt trận dân tộc thống nhất. Trong khi đặc biệt chú trọng chăm lo phát triển giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức - những giai tầng cơ bản trong xã hội - Hồ Chí Minh cũng có sự nhìn nhận, đánh giá đúng mực về vai trò của tư sản dân tộc, tiểu chủ trong cơ cấu xã hội đa dạng cần phải được phát huy đầy đủ, được hướng dẫn để phát triển phù hợp với lợi ích đất nước và bản chất chế độ mới.
Quan điểm này đối lập với các tư tưởng dân chủ tư sản cường điệu hóa vai trò của tầng lớp “tinh hoa” và hữu sản, xem nhẹ vai trò của nhân dân lao động, bỏ lại phía sau những người nghèo khó, thất học, yếu thế. Nó cũng xa lạ với chủ nghĩa biệt phái tả khuynh tồn tại phổ biến trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trước đây khi tuyệt đối hóa vai trò của công - nông mà loại trừ khả năng phát triển và đóng góp cho đất nước của các giai tầng khác. Hồ Chí Minh đã có cách nhìn biện chứng về phân tầng xã hội hợp thức, do các nguồn gốc kinh tế - xã hội, yếu tố sinh học, các rủi ro,... của từng người gặp phải khiến cho cơ hội tiếp cận và tính hiệu quả sử dụng nguồn lực phát triển không giống nhau giữa các thành viên trong xã hội.
Vì vậy, phải bảo đảm quyền cùng phát triển của mọi thành viên trong xã hội, không loại trừ bất cứ ai, với quan điểm: “Làm cho người nghèo thì đủ ăn. Người đủ ăn thì khá giàu. Người khá giàu thì giàu thêm”(4). Quan điểm nêu trên khuyến khích người giàu phải “giàu thêm”, việc làm giàu của người này không đe dọa cơ hội phát triển của người khác, dĩ nhiên đó phải là làm giàu lương thiện, hợp pháp; còn người nghèo cũng có quyền phát triển bằng nỗ lực phấn đấu vươn lên “đủ ăn”, rồi tiến lên “khá giàu”. Điều này gợi mở nhiều điều về kiểm soát phân tầng xã hội hiện nay, nhất là khuyến khích làm giàu chính đáng, hợp pháp gắn với thúc đẩy giảm nghèo bền vững, định hình cơ cấu xã hội phát triển hài hòa.
Là quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo, Hồ Chí Minh đề cao tinh thần tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo; đánh giá khách quan về giá trị văn hóa, đạo đức của các tôn giáo; bày tỏ tình cảm trân trọng đối với những người sáng lập các tôn giáo; có nhiều chủ trương, chính sách để đoàn kết tôn giáo, đoàn kết lương - giáo, làm cho các tôn giáo đồng hành cùng dân tộc. Phát triển xã hội vì thế bao hàm cả chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các tôn giáo, làm cho đồng bào các tôn giáo gắn kết với dân tộc, đồng hành cùng sự nghiệp giải phóng và phát triển dân tộc. Người phê phán và đấu tranh không khoan nhượng với mọi biểu hiện kỳ thị tôn giáo, vi phạm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân cũng như các hành vi lợi dụng tôn giáo để làm những điều trái với lợi ích dân tộc, gây tổn hại cho sự nghiệp cách mạng.
Các tầng lớp, nhóm xã hội thiếu cơ hội phát triển, chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, được Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Đối với phụ nữ, tầng lớp vốn chịu nhiều thua thiệt về cơ hội phát triển do những trói buộc của tư tưởng phong kiến lạc hậu, Người chủ trương phải tiến hành cuộc cách mạng giải phóng phụ nữ, thực hiện nam - nữ bình quyền, tạo môi trường thuận lợi cho phụ nữ có cơ hội tham gia công việc xã hội, học tập, phấn đấu cũng như hoàn thành thiên chức làm mẹ, làm vợ. Người cho rằng, chưa giải phóng được phụ nữ thì mới chỉ giải phóng được một nửa quần chúng, chưa thể hiện bình đẳng nam nữ và nam nữ bình quyền thì mới chỉ là một nửa chủ nghĩa xã hội... Đối với trẻ em, Người xem như “búp non trên cành”, luôn động viên, khuyến khích các em học tập, tu dưỡng để có ích cho gia đình và xã hội, bảo đảm vốn con người cho tương lai đất nước, cần có những chính sách phát triển toàn diện các mặt thể lực, trí lực, đạo đức và thẩm mỹ. Đối với người cao tuổi, Hồ Chí Minh tôn trọng, tin tưởng, đề cao và yêu cầu có chính sách chăm lo, động viên kịp thời, phát huy kinh nghiệm, vốn sống và trách nhiệm nêu gương cho con cháu, trước hết trong gia đình, dòng tộc, làng xóm. Đối với thương binh, liệt sỹ, người có công với nước - những người vì độc lập dân tộc mà chịu hy sinh, mất mát trong kháng chiến - nên phải được chăm lo đặc biệt thông qua chính sách ưu đãi xã hội. Trong Di chúc, Người căn dặn sau ngày cách mạng thắng lợi, công việc đầu tiên đối với con người là chăm lo cho thương binh và người có công với nước; xây dựng vườn hoa, bia tưởng niệm ghi nhớ công ơn các anh hùng, liệt sĩ; chăm lo nơi ăn, chốn ở, mở lớp dạy nghề để thương binh, bệnh binh và con cái họ có thể “tự lực cánh sinh”.
6. Phát triển xã hội trên quan điểm thúc đẩy công bằng về cơ hội phát triển giữa các thành viên trong xã hội, bảo đảm hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ, giữa cống hiến và hưởng thụ. Đây là luận điểm rất quan trọng chi phối đến thiết kế các chính sách kinh tế và chính sách xã hội hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Theo Hồ Chí Minh, cơ hội phát triển của mỗi con người trước hết là phải được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, an ninh và an toàn. Một đất nước mất độc lập, chủ quyền thì nhân dân không thể có tự do và do đó không có cơ hội phát triển. Dân tộc độc lập, môi trường hòa bình, xã hội an toàn là cơ hội cho con người phát triển, là điều kiện cơ bản để từng thành viên trong xã hội nỗ lực, phấn đấu vì sự phát triển chung. Cơ hội phát triển có được còn nhờ mở mang hệ thống phúc lợi xã hội, tạo nền tảng cho con người phát triển toàn diện, nhất là giáo dục, văn hóa, y tế, trợ giúp xã hội. Những chính sách của Hồ Chí Minh về xóa mù chữ, tập hợp trí thức trong nước và trí thức người Việt Nam ở nước ngoài trở về xây dựng nền giáo dục quốc dân phục vụ sự nghiệp “trồng người” cũng nằm trong tầm nhìn chiến lược đó. Cơ hội cho sự phát triển được Người đặc biệt chú ý với những đối tượng chịu nhiều thiệt thòi, kém may mắn trong xã hội như trẻ em, thương binh, gia đình liệt sĩ, phụ nữ, các tộc người thiểu số.
7. Cốt lõi của phát triển xã hội là giải phóng con người khỏi mọi áp bức, bất công, phát triển con người toàn diện, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân; tạo dựng xã hội an ninh, an toàn, bảo đảm cho con người trưởng thành lành mạnh. Hồ Chí Minh cho rằng, phát triển xã hội chính là giải phóng con người thoát khỏi mọi áp bức, bất công, có điều kiện phát triển toàn diện cả về thể lực, trí lực, thẩm mỹ và đạo đức. Thủ tiêu các cơ sở kinh tế của chế độ bóc lột chính là giải phóng lao động, đem lại tự do cho con người. Phát triển kinh tế không có mục tiêu tự thân mà cũng hướng tới cải thiện đời sống vật chất, phát triển thể chất, nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Nền văn hóa mới, đạo đức mới được xây dựng giúp con người hình thành nhân cách sống hài hòa với xã hội, với cộng đồng, với tự nhiên và với chính mình. Hệ thống giáo dục tiến bộ phải có khả năng khơi dậy, phát huy cao nhất những năng lực, phẩm chất vốn có của con người để hoàn thiện chính mình và đóng góp hữu ích cho xã hội. Thể chế chính trị dân chủ phải tạo môi trường cho con người có tự do, phát huy cao nhất năng lực làm chủ trong mọi phương diện của đời sống xã hội. Mục tiêu phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa hay xã hội đều hướng tới thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân, đáp ứng quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân.
Phát triển xã hội trong tư tưởng Hồ Chí Minh có nhiều tầng nấc, nhiều lớp: toàn thể quốc dân - đồng bào, giai tầng, nhóm xã hội, gia đình, cá nhân. Trong khi đề cao những quyền chân chính của cá nhân con người thì Người phê phán và đấu tranh không khoan nhượng với chủ nghĩa cá nhân. Theo Hồ Chí Minh, lợi ích cá nhân chân chính của con người không đối lập với lợi ích tập thể, lợi ích cộng đồng, mà chủ nghĩa cá nhân mới đối lập với lợi ích chung. Cần định hình thái độ đúng đắn về quyền của cá nhân con người, đặc biệt là quyền đi liền với nghĩa vụ, đồng thời đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Quyền của cá nhân nếu không gắn với nghĩa vụ, trách nhiệm chỉ đẩy tới lợi ích cá nhân ích kỷ, đối lập với lợi ích chung. Trách nhiệm của Đảng và Nhà nước là giáo dục, nhân mầm, làm cho những giá trị tốt đẹp của con người ngày càng nảy nở, phát triển; tạo môi trường thể chế cho sự trưởng thành lành mạnh của nhân cách con người; tôn trọng và bảo vệ những quyền chính đáng, hợp pháp của cá nhân con người; bảo đảm hài hòa lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể, lợi ích cộng đồng xã hội. Phát triển xã hội tốt đẹp là điều kiện cho mỗi người trưởng thành lành mạnh, nhận được sự trợ giúp tích cực từ phía xã hội để bảo đảm an ninh, an toàn và năng lực tự phát triển.
Những quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh về phát triển xã hội vẫn còn nguyên giá trị trong điều kiện hiện nay, cần được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào quản lý phát triển xã hội, định hướng xây dựng xã hội phát triển./.
--------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 8, tr 294
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr 610
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 267
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 81
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 216
Theo Tạp chí Cộng sản
Lượt bình luận
Trường đánh đấu (*) là bắt buộc.