Đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế và thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế
Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc kiến tạo thể chế, chính sách, pháp luật nhằm xóa bỏ rào cản, giải phóng các nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội; trên tinh thần quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/02/2017 của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ và đạt được những kết quả quan trọng.
Giải quyết các vướng mắc, điểm nghẽn, chủ động quỹ đất cho phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn
Một là, đã tiếp tục hoàn thiện công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, làm căn cứ để nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh: Từ năm 2016 đến nay, đã thực hiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để giải quyết nhu cầu nhà ở đô thị, nông thôn là 19,6 nghìn ha, phát triển sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp 15,5 nghìn ha, xây dựng kết cấu hạ tầng 25,5 nghìn ha; đưa hơn 500 ha đất chưa sử dụng vào phục vụ các mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp tăng gấp hơn 2 lần so với trước đây.
Để chủ động mặt bằng cho thu hút đầu tư trong khi quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt, ngay trong năm 2020 Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 148/2020/NĐ-CP trong đó hướng dẫn lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện theo Nghị quyết số 751/2019/QH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời đôn đốc các địa phương lập quy hoạch sử dung đất thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2021; đề xuất Chính phủ điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất Khu công nghiệp, đô thị cho các địa phương có điều kiện thu hút đón làn sóng chuyển dịch đầu tư.
Hai là, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận lần đầu đối với các loại đất theo Nghị quyết số 30/2012/QH12 của Quốc hội, góp phần đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền của người sử dụng đất, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển: cả nước đã đo đạc lập bản đồ địa chính đạt trên 77% tổng diện tích tự nhiên; tỷ lệ cấp GCN lần đầu tổng hợp từ kết quả thực hiện của các địa phương đạt trên 97% tổng diện tích các loại đất cần cấp (trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020 tăng từ 0,16% đến 2% tương đương mỗi năm khoảng gần 20 ngàn Giấy chứng nhận).
Ba là, ban hành và công bố công khai Bảng giá đất theo quy định. Công tác xác định giá đất cụ thể đã được các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện theo quy định, quy trình, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người có đất thu hồi. Số tiền thu từ đất (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp) đã tăng qua các năm cho ngân sách nhà nước. Năm 2015 là 84.810 tỷ đồng, năm 2016 là 115.290 tỷ đồng, năm 2017 là 104.400 tỷ đồng và năm 2018 là 184,494 nghìn tỷ đồng, năm 2019 đạt trên 191,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 11% thu ngân sách nội địa.
Bốn là, tập trung rà soát xử lý tình trạng vi phạm lãng phí đất đai, xử lý thu hồi, yêu cầu đưa vào sử dụng gần 100 nghìn ha đất của các dự án chậm triển khai vào sử dụng hiệu quả. Khơi thông các vướng mắc cho phát triển thị trường bất động sản; thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển sản xuất. Nguồn lực đất đai được phát huy cho phát triển, thu từ đất trong 5 năm 2016-2020 đạt 860 nghìn tỷ đồng, trong đó năm 2020 gấp 2,55 lần so với năm 2015, chiếm 14% thu ngân sách nội địa.
Tăng cường quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nguồn nước, thực hiện các giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn
Triển khai Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước toàn quốc; lập Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tổng hợp các lưu vực sông, nguồn nước liên tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại các dòng sông lớn. Trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh 11 quy trình vận hành liên hồ chứa điều tiết nguồn nước chống hạn, giảm lũ, cung cấp điện năng. Tổng dung tích giảm lũ 10 lưu vực là 3,9 tỷ m3, chiếm 22,2% tổng dung tích hữu ích và có thể tối đa đạt 5 tỷ m3, chiếm 28%; trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua xảy ra ở các tỉnh ở Miền Trung, nhiều hồ chứa trên các lưu vực sông như sông Hương, Vu Gia - Thu Bồn đã cắt trọn cơn lũ hoặc đã giảm được lưu lượng đỉnh lũ (cắt giảm đỉnh lũ từ 30-98%), cắt giảm tổng lượng lũ từ 30-50% tổng lượng lũ.
Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động xả thải vào nguồn nước (Kết nối giám sát trực tuyến gần 400 công trình khai thác nước có quy mô lớn.), đảm bảo lưu thông dòng chảy, hành lang thoát lũ và bảo vệ các nguồn nước quan trọng (Có 50/63 tỉnh đã và đang lập Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ. Hầu hết các hồ thủy điện đang hoạt động (trên 1 triệu m3) đã và đang hoàn thành việc cắm mốc hàng lang). Thực hiện việc cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho các tổ chức, cá nhân với tổng số tiền khoảng 10,6 nghìn tỷ đồng. Thúc đẩy hợp tác chia sẻ nguồn nước sông Mê Công thông qua các cơ chế hợp tác Mê Công, Mê Công - Lan Thương
Điều tra xác định các tiềm năng khoáng sản chiến lược, giá trị về địa chất
Hoàn thành điều tra lập bản đồ địa chất, khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 cho 70% diện tích phần đất liền lãnh thổ Việt Nam và ở tỷ lệ 1:500.000 đối với khoảng 40% tổng diện tích vùng biển Việt Nam đã xác định tiềm năng một số loại khoáng sản lớn urani Quảng Nam, đồng Kon Tum, vàng, thiếc, wonfram và khoáng chất công nghiệp vùng Tây Bắc... điều tra các giá trị địa chất để UNESCO công nhận 04 công viên địa chất toàn cầu trong 05 năm qua.
Đấu giá quyền khai thác với trên 300 khu vực khoáng sản thu từ tiền cấp quyền khai thác khoảng sản đóng góp 5.314 tỷ đồng cho ngân sách đưa tổng thu ngân sách từ khoáng sản lền hơn 23 nghìn tỷ đồng cho ngân sách 5 năm qua.
Ban hành kế hoạch tổng thể phát huy các lợi thế để phát triển kinh tế biển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn
Xác định phát triển kinh tế biển là hướng đột phá trong phát triển hội nhập, Bộ TN&MT đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 về Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 22/10/2018 về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu và các Đề án triển khai thực hiện Chiến lược. Điều tra địa hình đáy biển khoảng 24,5% diện tích vùng biển Việt Nam ở các tỷ lệ từ 1:500.000 đến 1:50.000. Chủ động hợp tác quốc tế trong bảo vệ các hệ sinh thái biển và đại dương, phối hợp hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Phát huy tiềm năng lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế biển và hướng biển với mức đóng góp trên 60% GDP cả nước.
Chuyển từ bị động sang chủ động trong công tác bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề môi trường; tạo dựng nền tảng thể chế, chính sách phục vụ kiến tạo các mô hình phát triển bền vững
Một là, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020 được ban hành đã kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác BVMT, đặc biệt là Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị; cải cách thể chế môi trường của Việt Nam tiệm cận hài hòa với chính sách pháp luật BVMT trên thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, EVIPA, CPTPP, v.v.; góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, sàng lọc các dự án có công nghệ lạc hậu đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, chủ động vượt qua các hàng rào kỹ thuật trong cạnh tranh thương mại toàn cầu.
Luật BVMT 2020 đã cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20-75 ngày. Góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định: thu hẹp khoảng 20% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các thủ tục hành chính vào giấy phép môi trường; không duy trì chế độ quan trắc môi trường định kỳ đối với doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật về BVMT. Bên cạnh đó, Luật BVMT 2020 cũng có nhiều điểm đổi mới căn bản, giúp xây dựng nền tảng thể chế phục vụ kiến tạo các mô hình phát triển bền vững như: kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế phát thải ít các-bon trong quy hoạch, thiết kế sản xuất, thương mại, tiêu dùng và tái chế xử lý chất thải, sản phẩm, bao bì hoặc sản phẩm sau sử dụng; hình thành các ngành kinh tế mới như: đầu tư vào vốn tự nhiên, công nghiệp môi trường; hình thành thị trường phát thải.
Hai là, đã chuyển từ thế bị động sang chủ động giải quyết các sự cố môi trường phát sinh. Bộ TN&MT đã chủ động, kịp thời phát hiện và phối hợp với chính quyền địa phương xử lý nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường, điểm nóng về môi trường xảy ra trên phạm vi toàn quốc. Từ chỗ còn bị động, lúng túng khi tiếp nhận, giải quyết một số điểm nóng, sự cố môi trường, đến nay Bộ đã hoàn toàn chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương trong việc xử lý các vụ việc gây ô nhiễm môi trường, điểm nóng về môi trường.
Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong công tác BVMT; Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 17/9/2018 về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Ba là, hình thành được phương thức phối kết hợp giữa Trung ương và địa phương trong kiểm soát, giám sát, giải quyết các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, các vấn đề môi trường phát sinh. Đặc biệt, đã phối hợp để tập trung quản lý tốt 20-30% các đối tượng chính nhưng gây ra 70-80% các vấn đề môi trường để khoanh vùng, áp dụng các biện pháp cụ thể, kiên quyết xử lý các đối tượng vi phạm, đảm bảo các đối tượng này thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Tính đến nay, cả Trung ương và địa phương đã đầu tư lắp đặt 867 trạm quan trắc nguồn thải có kết nối số liệu trực tiếp về Sở TN&MT và Bộ TN&MT để kịp thời cảnh báo, cung cấp thông tin về tình trạng ô nhiễm môi trường; thành lập và duy trì 12 Tổ giám sát đối với các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố ô nhiễm môi trường cao (Nhà máy sản xuất Alumnia Nhân Cơ, Tân Rai, Formosa Hà Tĩnh, Lee&Man, Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhiệt điện Vĩnh Tân, các cơ sở đang hoạt động tại Làng nghề Phong Khê và Cụm công nghiệp giấy Phong Khê) với sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước ở trung ương và địa phương; tổ chức hàng chục đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành; thành lập và duy trì hiệu quả Đường dây nóng về môi trường xuyên suốt từ Trung ương đến các địa phương.
Kết quả thanh tra, kiểm tra từ năm 2016 trở lại đây cho thấy, tỷ lệ các cơ sở vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường có xu hướng giảm đáng kể. Năm 2016 tỷ lệ cơ sở được thanh tra có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường là 40,7%, năm 2017 là 36,5%, năm 2018 là 36,7% và năm 2019 là 30,2% (giảm 1,35 lần so với năm 2016)
Đã giải quyết dứt điểm 1.026 kiến nghị, phản ánh nhận được qua đường dây nóng (chiếm khoảng 66%); đảm bảo xử lý đúng thời hạn gần 90% kiến nghị của doanh nghiệp, địa phương nhận được hàng năm. Qua đó, chỉ số hài lòng của người dân đối với công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tăng dần qua từng năm, cụ thể môi trường là vấn đề mà người dân lo lắng thứ 2 năm 2016, xuống thứ 5 năm 2018; tỷ lệ người dân quan tâm đến vấn đề BVMT tăng từ 69% (năm 2017) lên đến 74% (năm 2018). Theo kết quả điều tra xã hội học đối với Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI).
Bốn là, công tác quản lý chất thải (sinh hoạt, nguy hại, nước thải đô thị, nông thôn…) được triển khai đồng bộ, có lộ trình phù hợp đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Trong 5 năm qua, tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, tái chế liên tục tăng; tỷ lệ phải chôn lấp giảm; chất thải nguy hại được kiểm soát, quản lý tốt hơn thông qua việc kiểm soát chặt chẽ nguồn phát thải, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt 13% (tăng khoảng 6% so với đầu nhiệm kỳ). Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom xử lý tại khu vực nội thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 92% (năm 2016 là xấp xỉ 85%, tăng 7% so với đầu nhiệm kỳ), tại khu vực ngoại thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 66% (năm 2016 là khoảng 50%, tăng 15% so với đầu nhiệm kỳ). Chất thải nguy hại đã được quản lý tốt hơn; tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đạt 85% (tăng khoảng 6% so với năm 2017). Tính đến tháng 9/2020, có 123 cơ sở xử lý chất thải nguy hại trên toàn quốc đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép (tăng 10 cơ sở so với năm 2017).
Công tác quản lý nhập khẩu phế liệu đã được Bộ TN&MT từng bước điều chỉnh và hoàn thiện hành lang pháp lý để quản lý. Bộ đã đánh giá, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình tồn đọng phế liệu nhập khẩu tại các cảng biển và tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 17/9/2018; đề xuất các biện pháp xử lý đối với hơn 5.000 container phế liệu tồn đọng, vô chủ đã quá 90 ngày; thanh tra việc chấp hành pháp luật về BVMT của các tổ chức được cấp Giấy chứng nhận/xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; xây dựng, điều chỉnh Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất (để thay thế Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg), trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 28/2020/QĐ-TTg ngày 24/9/2020.
Tăng cường công tác quan trắc, dự báo, cảnh báo sớm, dài hạn các xu thế thời tiết, thiên tai phục vụ cho các hoạt động phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội
Bộ đã tăng cường thúc đẩy xã hội hóa, hiện đại hóa hệ thống dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để nâng cao dự báo bão, lũ quét, sạt lở đất, giám sát nguồn nước xuyên biên giới. Đã thực hiện cảnh báo bão sớm trước 05 ngày; mưa lớn trước 2-3 ngày với độ tin cậy khoảng 75%; cảnh báo rét đậm, rét hại trước 2-3 ngày với độ tin cậy 80-90%; cảnh báo lũ trên các sông khu vực miền Trung, Tây Nguyên trước 1-2 ngày, các sông khu vực Bắc Bộ, Nam Bộ trước 3-5 ngày thường đạt 70-80%; cảnh báo các đợt nắng nóng diện rộng trước từ 2-3 ngày có độ tin cậy 70%. Đã dự báo chính xác các xu thế thời tiết nhất là thiếu nước, xâm nhập mặn ở khu vực Trung Bộ và Nam Bộ để chủ động điều chỉnh cơ cấu sản xuất, mùa vụ, triển khai các biện pháp phòng tránh giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Hiện đại hóa mạng lưới trạm quan trắc KTTV bằng nguồn vốn đầu tư của nhà nước, xã hội hóa với 782 trạm đo mưa độc lập, 103/181 trạm khí tượng, 125/234 trạm thủy văn, 21/27 trạm hải văn, 26/26 trạm khí tượng cao không, 14/14 trạm bức xạ, 268 trạm tự động đo thủy văn văn, 10 trạm radar thời tiết, 18 trạm định vị sét. Thiết lập mạng lưới 900 trạm quan trắc môi trường kết nối trực tuyến với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường.
Chủ động nghiên cứu các giải pháp chiến lược để chủ động trong ứng phó với biến đổi khí hậu
Trình ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH; Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH; Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050... làm cơ sở cho việc tích hợp, lồng ghép nội dung biến đổi khí hậu trong các chiến lược, quy hoạch phát triển. Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành tiêu chí xác định các dự án, nhiệm vụ thích ứng với BĐKH làm cơ sở cho quyết định đầu tư các công trình cần tập trung ưu tiên đầu tư.
Thực hiện trách nhiệm và nỗ lực ứng phó với BĐKH; tạo điều kiện để các quốc gia, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp có nguồn lực tài chính và công nghệ đến đầu tư tại Việt Nam, chung tay cùng Việt Nam và cộng đồng quốc tế ứng phó với BĐKH, phát triển phát thải thấp với sức chống chịu cao. Việt Nam đã và đang thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát thải các-bon thấp, góp phần thực hiện mục tiêu kép về phục hồi xanh, việc làm xanh.
Xây dựng cơ sở dữ liệu tạo tiền đề cho chuyển đổ số, phát triển Chính phủ điện tử
Xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL), nền tảng số để thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử. Triển khai nhiều dự án, đề án đảm bảo cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc bản đồ đầy đủ, chính xác đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý tài nguyên và môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu: hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin địa danh của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; hoàn thành xây dựng mạng lưới trạm định vị toàn cầu bằng vệ tinh trên lãnh thổ Việt Nam với 65 trạm định vị vệ tinh phủ kín lãnh thổ Việt Nam, cung cấp dịch vụ định vị chính xác, góp phần hiện đại hóa hạ tầng đo đạc và bản đồ cơ bản, thúc đẩy việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tiếp tục tổ chức hoàn thiện các CSDL quốc gia, chuyên ngành, tạo lập hạ tầng dữ liệu ngành tài nguyên và môi trường: (i) triển khai xây dựng CSDL quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường (theo Quyết định số 1618/QĐ-TTg ngày 24/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ); (ii) trình phê duyệt đề án ”Xây dựng cơ sở dữ liệu liên ngành vùng đồng bằng sông Cửu Long phục vụ thích ứng với biến đổi khí hậu”; (iii) trình phê duyệt đề án “Hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường kết nối liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các địa phương, các bộ, ngành”...
Đồng thời xây dựng, vận hành cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin (CNTT) của Bộ đồng bộ, bài bản, quản lý tập trung và chia sẻ sử dụng chung phục vụ triển khai Chính phủ điện tử của Bộ. Các trung tâm dữ liệu sử dụng công nghệ ảo hóa, điện toán đám mây, cung cấp tài nguyên tính toán, xử lý chung cho các đơn vị thuộc Bộ, bảo đảm các nhu cầu ứng dụng CNTT, xây dựng các cơ sở dữ liệu, hiện đã cung cấp được 16 loại dịch vụ về hạ tầng CNTT.
Lượt bình luận
Trường đánh đấu (*) là bắt buộc.